(Dân trí) – “Nếu không đi học, 16 tuổi đã lấy vợ rồi ở nhà leo đồi, quần quật cuốc đất, trồng sắn. Đến giờ em nghĩ lựa chọn của mình là đúng đắn”, Tráng A Sừ, sinh viên Trung cấp Nghề miền núi mở đầu câu chuyện.
Chúng tôi gặp Tráng A Sừ, chàng trai đồng bào Mông đang cần mẫn mài kim loại tại lớp học cắt gọt kim loại, Trường Trung cấp Nghề miền núi, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
A Sừ cho biết, tốt nghiệp cấp 2, em được cán bộ xã, bản, bộ đội biên phòng đến tận nhà vận động đi học tiếp. Cán bộ định hướng cho Sừ làm hồ sơ nộp vào Trường Trung cấp nghề miền núi để vừa học văn hóa, vừa học nghề.
Lúc đầu bố mẹ nói, A Sừ học làm gì? Ở nhà lên nương trồng cây ngô, cây sắn rồi tìm một người con gái “ưng cái bụng” dẫn về làm vợ là được. Bao đời nay, trong nhà có ai đi học kiếm chữ, kiếm nghề đâu.
A Sừ thấy trong bản, trong xã có nhiều anh chị đã thoát khỏi cảnh làm nương rẫy để đi học, có nghề nghiệp, nuôi được bản thân, giúp gia đình thoát nghèo nên nằng nặc đòi bố mẹ bán bò cho đi học.
Theo A Sừ, nếu không đi học, 16 tuổi Sừ đã có vợ rồi. Sừ dự tính, sau khi tốt nghiệp sẽ học thêm tiếng Nhật để đi xuất khẩu lao động.
Lần đầu rời xa gia đình, xa bản Chà Lan, A Sừ rất lo lắng. May thay, đến trường học, A Sừ được nhà trường tạo điều kiện cho ở ký túc cùng với các bạn học viên khác. Được thầy cô, bạn học quan tâm, A Sừ mở lòng, tích cực học tập.
A Sừ kể, ở bản Chà Lan, xã Mường Lý, huyện Mường Lát – nơi A Sừ sinh ra có 6 bạn đang học cùng em ở ngôi trường này. Trước đó, tại xã cũng có nhiều con em đồng bào Mông đi học nghề, sau khi tốt nghiệp có tay nghề, xin được việc làm, thu nhập ổn định, điều đó thôi thúc em đi học, thực hiện ước mơ.
Ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, cho biết, con em đồng bào Mông ở Mường Lý nếu không theo học sẽ đi bộ đội hoặc lập gia đình khá sớm. Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã để lại nhiều hệ lụy, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi.
Chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động con em của đồng bào đi học chữ, học nghề, học tiếng để đi xuất khẩu lao động hoặc đi nghĩa vụ quân sự, không được kết hôn sớm.
Theo ông Tuấn, Tráng A Sừ là một trong số những con em đồng bào Mông tiến bộ, em dám vượt qua hủ tục lạc hậu, rời khỏi Chà Lan để đi học chữ, học nghề, thực hiện ước mơ.
Ông Phạm Yên Trường, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề miền núi, cho biết, trước đây không nhiều con em dân tộc thiểu số theo học văn hóa, học nghề ở trường. Tuy nhiên khoảng 5 năm trở lại đây con em đồng bào Mông, Khơ Mú, Dao ở các huyện vùng biên như Mường Lát, Quan Sơn đến trường học ngày càng đông.
Cũng như bao con em đồng bào Mông khác, Tráng A Sừ ngày mới nhập học rụt rè, ít nói, hạn chế giao tiếp với mọi người. Song thầy cô, học viên trong lớp, bạn cùng phòng động viên, trò chuyện giúp A Sừ hòa nhập, giờ đây trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát.
Theo ông Trường, hiện Trường Trung cấp Nghề miền núi có gần 1.500 học viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đang theo học và chung một ước mơ thay đổi số phận, cuộc đời từ việc học chữ, học nghề.
Trường có 29 lớp nghề, đào tạo ở 7 chuyên ngành gồm: Hàn, may thời trang, điện công nghiệp, kỹ thuật sửa chữa – lắp ráp máy tính, thú y, cắt gọt kim loại, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.
Việc nhà trường phối hợp đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, công ty, đưa học sinh đi trải nghiệm thực tế, thực tập; cung cấp thông tin cung – cầu lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với các thị trường lao động; nhu cầu tuyển dụng, việc làm của các doanh nghiệp đến từng học viên vì thế tỷ lệ học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp luôn ở mức cao.
nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/neu-khong-di-hoc-16-tuoi-em-da-lay-vo-roi-20231127113015345.htm